CHIỀU TỐI (MỘ) - Hồ Chí Minh



MỘ
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Dịch thơ: CHIỀU TỐI
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng…

1. GIỚI THIỆU TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
1.1. Tác giả
- Sự nghiệp văn học đồ sộ với các sáng tác ở nhiều thể loại cả văn xuôi và thơ, bằng cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ.
1.2. Tác phẩm
- Xuất xứ: Bài thơ Chiều tối (Mộ) trích trong tập thơ Nhật kí trong tù (sáng tác tại Trung Quốc từ mùa thu 1942 - mùa thu 1943)
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác khi bác bị chuyển lao từ Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo.
- Giá trị tác phẩm: Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh: sự kết hợp giữa màu sắc cổ
điển và bút pháp hiện đại, thể hiện được chất tình và chất thép trong thơ Bác.

2. PHÂN TÍCH BÀI THƠ
2.1. Hai câu thơ đầu: Bức tranh chiều tối miền sơn cước
- Hình ảnh cánh chim về tổ:
+ Nghệ thuật dùng hình ảnh của không gian để chỉ thời gian: cánh chim về tổ là một dấu hiệu báo thời gian: buổi chiều tối đang về nơi xóm núi.
+ Thời gian buổi chiều tối: gợi sự tàn lụi, buồn bã đồng thời gợi lên cả sự đoàn tụ, sum họp khiến người tù xa xứ chạnh lòng nhớ quê.
+ Đó là một thi liệu truyền thống trong thơ ca cổ: xuất hiện trong ca dao, trong thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, thơ Lí Bạch ... Hình ảnh thơ vừa có sự nối tiếp truyền thống vừa có sự sáng tạo trong cái nhìn rất hiện đại (cảm giác ấm áp của cuộc sống đời thường).
- Cánh chim mỏi ("quyện điểu"):
+ Sự đồng cảm xuất phát từ sự tương đồng trong hoàn cảnh của người tù. Dù mệt mỏi nhưng Bác vẫn dành tình yêu thương cho những sự sống nhỏ bé trên đời.
+ Nghịch cảnh ngậm ngùi: cánh chim được tự do trở về nhà sau một ngày mệt nhọc. Người tù vẫn phải lê bước trên đường chuyển lao mà đợi chờ phía trước lại là một nhà ngục khác với những đọa đày, cơ cực.
- Hình ảnh "đám mây cô đơn" ("cô vân"):
+ Sự tương phản giữa đám mây lẻ loi, nhỏ bé với bầu trời mênh mông, rộng lớn vô cùng càng tôn nổi cái nhỏ bé của đám mây, cái vô cùng của bầu trời thu.
+ Một nét vẽ tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp mà buồn.
+ Đám mây cô đơn trên bầu trời cũng gợi liên tưởng tới hoàn cảnh của nhà thơ: một mình cô đơn nơi đất khách quê người, lại phải chịu cảnh tù đày.
Tiểu kết
* Nghệ thuật:
- Nghệ thuật chấm phá: chỉ qua một vài nét phác đơn sơ mà ghi lại được cả linh hồn của tạo vật, làm nổi bật lên không khí của buổi chiều tà nơi xóm núi heo hút.
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình: tình thấm vào trong cảnh, cảnh chan chứa tình.
* Nội dung:
- Bức tranh thiên nhiên chiều tối vừa đẹp, yên bình vừa buồn man mác vẻ u hoài.
- Vẻ đẹp tâm hồn Bác: tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu thương bao la dành cho mọi sự vật trên đời của người thi sĩ Hồ Chí Minh và cả bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh biết vượt lên hoàn cảnh cá nhân để dành sự yêu thương, trìu mến cho thiên nhiên, cho cuộc đời.
2.2. Hai câu thơ cuối: Bức tranh cuộc sống con người
- Hình ảnh con người
+ Hình ảnh một con người cụ thể trong cuộc sống lao động bình dị thường ngày.
+ Con người xuất hiện ở trung tâm, cận cảnh của bức tranh đời sống.
+ Con người xuất hiện trong hoạt động (xay ngô) làm cho bức tranh thêm ấm áp, sinh động.
+ Thủ pháp điệp vòng tròn: "ma bao túc" - "bao túc ma hoàn" không chỉ thể hiện sự vận động của thời gian mà còn cả sự vất vả trong cuộc sống lao động.
==> Tình yêu của Bác dành cho con người, những người lao động bình dị.
- Hình ảnh "lò than rực hồng" ("lô dĩ hồng")
+ Chữ "hồng" là nhãn tự của câu thơ, là điểm sáng của cả bài thơ thể hiện sự vận động bất ngờ của cảnh vật, của cảm xúc: tất cả trở nên rực sáng, ấm nóng.
+ Thể hiện vẻ đẹp tâm hồn tác giả, luôn lạc quan, tin tưởng, làm chủ mọi hoàn cảnh. Đồng thời bộc lộ nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh: hình tượng thơ, cảm xúc thơ luôn có sự vận động hướng về ánh sáng, sự sống, tương lai.

3. KẾT LUẬN
- Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh: sự kết hợp giữa màu sắc cổ điển (cảm hứng, thi tứ, thi liệu, bút pháp, hình ảnh nhân vật trữ tình ...) và chất hiện đại (tâm thế của chủ thể trữ tình, sự vận động của hình tượng thơ).
- Thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh: có tình yêu thương bao la với thiên nhiên, cuộc sống, có tâm hồn nghệ sĩ (chất tình) và bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh (chất thép).

Hocmai.vn

Đăng nhận xét

 
Top