Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc...
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
A. Khái quát:
1. Tác giả:
- Huy Cận là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1932-1945. Huy Cận là một trí thức Tây học song lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho học. Thơ ông vừa phảng phất màu sắc Đường thi cổ điển, vừa mang hình ảnh con người cá nhân ảo não, cô đơn của văn học lãng mạn.
- Trước 1945,Thơ Huy Cận luôn bị chi phối bởi cảm hứng vũ trụ với những khắc khoải về không gian và nỗi sầu nhân thế; đó là sự đối lập giữa thiên nhiên bao la, hoang vắng, buồn bã và những kiếp người nhỏ bé, cô đơn.
2. Tác phẩm:
2.1. Vị trí - xuất xứ: Tràng giang là một trong những kiệt tác của thi ca hiện đại, của Thơ Mới, cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất cho hồn thơ Huy Cận trước 1945, in trong tập Lửa thiêng (1940).
2.2. Nhan đề và lời đề từ
B. Tìm hiểu bài thơ
1. Khổ 1:Bức tranh thiên nhiên mênh mang hoang vắng, thiếu hơi ấm của sự sống con người - nỗi buồn cùng cảm giác đơn độc, vô nghĩa của thân phận con người khi đối diện với dòng đời vô định ngổn ngang.
2. Khổ 2 : Bức tranh tràng giang đã có thêm hình ảnh của bầu trời và mặt đất- cùng bề dài rộng của dòng sông, không gian đã được mở thêm ra nhiều chiều, sâu thẳm, cao vời vợi và vẫn rợn ngợp, mênh mang...Cảm hứng vũ trụ và nỗi sầu nhân thế của cái tôi ảo não bởi sự nhỏ bé, cô đơn vẫn bao trùm trong hồn thơ HC.
3. Khổ 3: Vẫn không có bóng dáng con người giữa không gian mênh mông của tràng giang, khổ 3 đã thêm vào nỗi buồn cô đơn một niềm khao khát được giao cảm, niềm khao khát mãnh liệt tình đời, tình người...
4. Khổ 4 đã đi từ không gian của thiên nhiên đến không gian của tâm tưởng - nỗi sầu nhân thế, những khắc khoải của cái tôi ảo não cô đơn đã thấp thoáng ẩn chứa tình yêu quê hương đất nước
Kết luận:
Tràng giang là một bài thơ mang phong vị cổ điển nhưng lại hướng tới sự biểu hiện cái Tôi ảo não cô đơn của thi sĩ lãng mạn. Bài thơ vừa thể hiện nỗi khắc khoải quen thuộc của Huy Cận về sự nhỏ bé cô đơn, vô nghĩa của con người, kiếp người trước cái mênh mông rộng lớn vô cùng vô tận của thiên nhiên, vũ trụ, vừa thấm thía một niềm khát khao giao cảm, khát khao tình người, tình đời và kín đáo bộc lộ tình yêu sâu nặng với quê hương đất nước.
Hocmai.vn
Đăng nhận xét