Đoạn trích “Thề nguyền” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thể hiện rõ nét tình
yêu sâu sắc và đậm đà của hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng.
Nhân lần du
xuân dự lễ tảo mộ, vui hội đạp thanh cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan, Thúy Kiều gặp Kim Trọng bên mộ Đạm Tiên. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng cả hai đều
cảm nhận về nhau:
“Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e”
Về nhà, Thúy Kiều cứ suy nghĩ vẩn vơ, nằm mộng thấy họa thơ cùng Đạm Tiên
và được nàng báo tin chẳng lành. Còn Kim
Trọng thì cứ ra ngẩn vào ngơ. Chàng tìm cách thuê nhà trọ gần nhà Thúy Kiều, và ngày đêm mong được nhìn
thấy nàng. Một ngày đẹp trời, Kim Trọng
nhặt được cành hoa của Kiều vô ý đánh rơi. Hai người gặp gỡ và hứa hẹn.
Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên
ngoài, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng.
Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, Kiều quay lại gặp Kim Trọng. Hai người đã làm lễ thề nguyền gắn bó trước vầng trăng sáng
vằng vặc. Đoạn trích sau đây (từ câu 431 đến câu 452) miêu tả về cảnh ấy, một cảnh
tình yêu lãng mạn, đẹp nhất mà nhà thơ đã dụng tài để giới thiệu tính cách của
nhân vật Thúy Kiều.
Bốn câu thơ
đầu nhà thơ miêu tả cảnh Thúy Kiều
qua nhà Kim Trọng lần thứ hai.
Nhà lan thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.
Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Hai người đã cùng xướng họa thơ văn, cùng đối đáp, tâm sự.
Kiều thì lo phận minh “bạc mệnh”. Kim Trọng
thì lạc quan, tin vào lẽ “nhân định thắng thiên”, và hứa “thì đem vàng đá mà liều
với thân”. Được nghe những lời ấy từ Kim
Trọng, Kiều cảm thấy “lòng xuân phơi phới”. Có lẽ đang trong tâm trạng ấy,
khi về nhà và không thấy ai thì Kiều đã vội vàng.
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Tất nhiên cảnh đêm trăng ắt hẳn là đẹp,
nhưng chủ ý của Kiều đâu phải là ngắm trăng. Cứ tưởng tượng hình ảnh “xăm xăm
băng lối” là có thể cảm nhận tâm trạng náo nức, không muốn bỏ phí thời gian thực
hiện mong muốn của mình.
Trong lúc đó
thì:
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Mỏi mệt vì bao ngày mong mỏi, đợi chờ hay
lâng lâng sung sướng vì không hẹn mà gặp? Được nhìn tận mắt, nghe tận tai con
người và giọng nói của Kiều khiến tâm hồn Kim
Trọng như lên chín tầng mây? Có lẽ có cả hai tâm trạng ấy trong hai câu thơ
trên. Hình ảnh một Nho sinh vừa tiễn người mà chàng thầm yêu trộm nhớ ẩn trong
cụm từ “tựa án thiu thiu” có vẻ mặt vừa “như tỉnh” vừa “như mê” quả thật khó có
họa sĩ nào vẽ được. Đang trong tâm trạng đó thì Kim Trọng lại nghe “tiếng sen”, rồi lại thấy “hoa lê”, theo ngôn ngữ
ước lệ thì là tiếng bước chân nhẹ nhàng của Kiều đang bước tới. Lúc ấy, nhà thơ
miêu tả Kim Trọng mang tâm trạng như
vua nước Sở nằm mơ thấy thần nữ núi Vu Giáp trong điển tích của văn học cổ
Trung Quốc.
Từ những câu thơ miêu tả như đã phân
tích, nhà thơ chuyển qua hình thức đối thoại khi Kiều và Kim đối diện nhau. Kiều
mở lời:
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Một lời trần tình về quan niệm sống của
Kiều: Chủ động trong tình yêu và trân trọng nó trong hiện thực. Quan niệm của
Kiều về tình yêu khác hẳn quan niệm truyền thống đối với phụ nữ thời xưa: cha mẹ
đặt đâu con ngồi đó. Đạo lí Nho gia đã dạy họ, trong đó có Kiều là tại gia tòng
phụ cơ mà! Sở dĩ Kiều phá vỡ sự áp đặt của luân lí Nho giáo dành cho nữ giới có
lẽ do Kiều đã cảm nhận được tình yêu chân thực của Kim Trọng, và đặt niềm tin vào con người hào hoa phong nhã này mới
chủ động để “rõ mặt đôi ta”.
Được lời như cởi tấm lòng, Kim Trọng rước Kiều vào thư phòng,
nhanh chóng thêm đèn cho sáng, đốt thêm trầm để tăng hương thơm. Bấy giờ mới lấy
tờ giấy hoa viết lời thề, lấy dao quý cắt tóc chia làm hai phần đặt lên án thư.
Tưởng tượng ra hình ảnh ấy từ mấy câu thơ, người đọc đã thấy khung cảnh trang
nghiêm mà ấm cúng. Cả hai cùng quỳ xuống, cùng hướng nhìn trời cao...
Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Cách tạo niềm tin về tình yêu của đôi
trai tài gái sắc đã tạo nên cảnh thật nên thơ và lãng mạn nhưng không kém phần
thiêng liêng. Cả hai đều để tâm trí cùa minh (đinh ninh) vào lời thề. Họ như
đôi song ca mà bài hát là lời thề chung thủy và người chứng giám là trời đất,
“Vừng trăng”. Bốn câu thơ với những từ
láy vằng vặc, đinh ninh, từ lặp song song tạo thành đôi như đôi trai tài gái sắc
Kiều - Kim đang nguyện thề “tạc một chữ đồng đến xương”.
Có lẽ vì nặng với lời thề ấy mà sau này,
khi quyết định bán mình để chuộc cha và em trai, nhất là trong đêm nhờ cậy Thúy
Vân “xót tình máu mủ thay lời nước non” mà gắn bó với Kim Trọng thì Kiều luôn nghĩ đến cái chết nghĩ đến “thịt nát xương
mòn..., người thác oan, rồi chết ngất sau khi thốt lên lời đau thương tạ lỗi
cùng Kim Trọng. Sự nhất quán trong
quan niệm về tình yêu của Thúy Kiều
là như thế, là không quên lời thề, nhận phần lỗi về mình và tạo hạnh phúc cho
người còn sống.
Qua đoạn trích,
tác giả giúp ta cảm nhận được tình yêu thiết tha, cháy bỏng nhưng trong sáng,
tinh khôi của Thúy Kiều và Kim Trọng. Vượt qua lề thói Nho gia áp
đặt, Thúy Kiều đã dám chủ động thể
hiện tình yêu nồng nhiệt của mình. Đây chính là điều làm tăng thêm tính thi vị
và hấp dẫn cho đoạn trích.
Đăng nhận xét