Luyện thi đại học: Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân
A. Khái quát

1. Tác giả:
- Nguyễn Tuân là tác giả lớn của văn học hiện đại Việt Nam với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau năm 1945.
- Sáng tác của Nguyễn Tuân mang phong cách riêng độc đáo trong đó nổi bật chất tài hoa uyên bác. Là một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, thường miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ.

2. Tác phẩm
2.1. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác: Người lái đò sông Đà là bài tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập Sông Đà năm 1960.
Sông Đà là thành quả chuyến đi gian khổ và hào hứng của Nguyễn Tuân lên miền đất Tây Bắc xa xôi và rộng lớn những năm 58-60, chuyến đi không chỉ nhằm thỏa mãn niềm khát khao xê dịch mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, phát hiện thứ vàng mười đã qua thử lửa của tâm hồn con người Tây Bắc trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tác phẩm đã thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
2.2. Lời đề từ:
a. Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông! ( Wladyslaw Broniwski- Ba Lan ): Nhà văn đã mượn câu thơ mang cấu trúc cảm thán để bộc lộ những xúc cảm đang trào dâng mãnh liệt trong lòng. Tiếng hát trên dòng sông có thể là tiếng hát của những người chèo đò, kéo thuyền, vượt thác, tiếng hát thể hiện tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên và cuộc sống lao động của con người Tây Bắc; cũng có thể hiểu là tiếng hát say mê, phấn khích đầy ngưỡng mộ của nhà văn trước vẻ đẹp của dòng sông. Lời đề từ do đó đã thể hiện cảm hứng chủ đạo của tùy bút, đó là tình yêu đắm say, tha thiết của nhà văn với thiên nhiên và con người trên dòng sông Đà.
b. Chúng thủy giai đông tẩu- Đà giang độc bắc lưu ( Nguyễn Quang Bích): Hai câu thơ chữ Hán đã đề cập tới một nét độc đáo của sông Đà khi mọi dòng sông đều chảy về hướng đông, chỉ có sông Đà một mình chảy theo hướng bắc- đó cũng là đặc điểm khơi gợi hứng thú khám phá và chiêm ngưỡng của một nhà văn suốt đời kiếm tìm cái Đẹp và sự độc đáo. Nhưng khi mượn câu thơ xưa làm lời đề từ, có lẽ tác giả Người lái đò sông Đà không chỉ muốn nhắc đến sự ngược ngạo của dòng sông mà còn nhằm khẳng định cá tính độc đáo của mình trong dòng sông văn chương, đó là văn phong đầy sáng tạo của một nhà văn có ý thức sâu sắc về cái Tôi cá nhân, về Bản Ngã, về cá tính riêng trong sáng tạo nghệ thuật.
Với hai lời đề từ, tác giả Nguyễn Tuân đã cho thấy đồng thời cả cảm hứng sáng tác và phong cách nghệ thuật độc đáo của mình trong tùy bút Người lái đò sông Đà.

B. Tìm hiểu văn bản

Đề 1: Phân tích hình tượng dòng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà để làm rõ những nét
đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân.

I. Mở bài
- Nguyễn Tuân là tác giả lớn của văn học hiện đại Việt Nam với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau năm 1945. Sáng tác của Nguyễn Tuân mang phong cách riêng độc đáo trong đó nổi bật chất tài hoa uyên bác. Là một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.
- Người lái đò sông Đà là bài tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập Sông Đà năm 1960.
- Thông qua việc khắc họa hình ảnh dòng sông Đà, tùy bút đã phát hiện chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, qua đó thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.

II. Thân bài
Qua ngòi bút của một nhà văn luôn khám phá thế giới ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ, trong tùy bút Người lái đò sông Đà, dòng sông Đà đã hiện lên như một công trình mĩ thuật kì vĩ, tuyệt vời của tạo hóa với hai ấn tượng sâu đậm: dữ dằn, hung bạo và thơ mộng, trữ tình.
1. Dòng sông hung bạo.
1.1. Một trong những hình ảnh đầu tiên gợi lên sự hùng vĩ của sông Đà chính là cảnh đá bờ sông dựng vách thành.
1.2. Sự hung bạo của sông Đà tiếp tục được đẩy cao hơn trong đoạn văn miêu tả cảnh mặt ghềnh Hát Loóng.
1.3. Đem lại những ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa cho sự hung bạo của sông Đà là hình ảnh những cái hút nước trên sông.
1.4. Nhưng có lẽ khủng khiếp nhất trong diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một của con người phải là thác đá sông Đà.
a. Thác đá khi ở xa:
b. Thác đá ở gần:
Toàn bộ sông Đà với thác ghềnh, sóng gió, với đá và nước thác, đã được Nguyễn Tuân miêu tả sống động, đầy ấn tượng như một con thủy quái với diện mạo khủng khiếp, tâm địa ác hiểm, những hành động hung hãn, dữ dằn.
1.5. Tuy nhiên, ngay khi miêu tả một sông Đà hung bạo, hiểm ác, làm hiện lên tất cả diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một của con người, nhà văn của những cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh phi thường tuyệt mĩ, những gió bão, thác ghềnh dữ dội, những núi cao, vực sâu…vẫn luôn truyền cho người đọc niềm say mê khao khát muốn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên.
Thông qua sự quan sát tinh tế,cách diễn tả tài hoa, những tri thức uyên bác, nhà văn của những cảm giác mạnh, những cảnh trí dữ dội, phi thường đã làm hiện lên hình ảnh dòng sông Đà hung bạo, hiểm ác không chỉ như một con thủy quái, kẻ thù số một của con người mà còn trở thành một công trình mĩ thuật kì vĩ, tuyệt vời của tạo hóa, khơi gợi cảm giác hãi hùng đầy ngưỡng mộ, mê đắm.
2. Dòng sông trữ tình
2.1. Làm nên nét trữ tình đầu tiên là hình ảnh con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.
2.2. Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn hiện ra qua những màu sắc đầy biến ảo khi vì niềm yêu và sự say mê, Nguyễn Tuân đã quan sát dòng sông một cách công phu và tinh tế trong những thời điểm khác nhau, với những sắc thái khác nhau.
2.3. Trong niềm yêu nhớ của Nguyễn Tuân, sông Đà gợi cảm như một cố nhân.
2.4. Và có lẽ nét trữ tình thi vị nhất của sông Đà chính là ở sắc thái lặng tờ hoang dại của nó.
2.5. Trong đoạn văn miêu tả dòng sông trữ tình, cái tôi trữ tình của nhà văn đã thể hiện trong đam mê, dạt dào cảm xúc, những xao xuyến nhớ nhung…

III. Kết luận
Với việc phối hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như ẩn dụ, nhân hóa, so sánh…, với lối hành văn đầy biến hóa, độc đáo, giàu sức gợi tả và gợi cảm, vận dụng tri thức tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để quan sát, miêu tả hoặc bộc lộ cảm xúc, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng dòng sông Đà trong hai sắc thái: hung bạo và trữ tình. Ông đã thể hiện rõ nét phong cách Nguyễn Tuân của mình trong những trang viết tài hoa, uyên bác khi miêu tả dòng sông, trong cách tô đậm những sắc thái phi thường tuyệt mĩ trong việc soi chiếu dòng sông từ góc độ văn hóa, thẩm mĩ, và nhất là trong cách khắc họa dòng sông Đà như một công trình mĩ thuật kì vĩ tuyệt vời của tạo hóa, để từ đó người đọc nhận ra tình yêu say đắm của nhà văn với quê hương, đất nước.

Hocmai.vn

Đăng nhận xét

 
Top