Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên


A. Khái quát chung

1. Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ lớn của thi ca hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên có phong cách riêng độc đáo và sắc nét, đó là chất trí tuệ và sự tài hoa trong những suy tưởng, triết luận sâu sắc cùng thế giới hình ảnh đa dạng, tinh tế và gợi cảm.

2. Tác phẩm
2.1.Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa, tập thơ đánh dấu sự trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên hành trình thơ cách mạng. Cũng như cả tập thơ, bài thơ Tiếng hát con tàu đã thể hiện sự gặp gỡ kì diệu giữa cảm hứng về sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh với cảm hứng về sự hồi sinh của chính tâm hồn nhà thơ, đó cũng là ngọn nguồn cho lòng biết ơn và sự gắn bó sâu sắc của Chế Lan Viên với cuộc đời, nhân dân, đất nước.

2.2. Bài thơ Tiếng hát con tàu được gợi cảm hứng từ một sự kiện kinh tế - xã hội ở miền Bắc những năm 1958-1960. Đó là phong trào vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc. Theo tiếng gọi của Đảng, nhiều văn nghệ sĩ cũng đi thâm nhập thực tế công cuộc lao động xây dựng đất nước ở nhiều vùng trong đó lên Tây Bắc có Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Tưởng...v.v...Kết quả của những chuyến đi ấy là những tác phẩm nóng hổi hơi thở của cuộc sống như tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, tập truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải.v.v...Chưa tới được với Tây Bắc thời gian này, Chế Lan Viên đã thể hiện nỗi lòng mình qua bài thơ Tiếng hát con tàu, trong đó, sự kiện thời sự chỉ là điểm xuất phát cho cảm hứng sáng tác để nhà thơ bày tỏ những khát vọng được trở về với nhân dân, đất nước, với những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến, và trong tâm thế của một nhà thơ, đó cũng là sự trở về với hiện thực cuộc sống, ngọn nguồn sáng tạo của thi ca.

2.3.. Nhan đề bài thơ, lời đề từ và cảm hứng chủ đạo
a. Biểu tượng cơ bản trong cả bài thơ là con tàu và Tây Bắc.
b. Ý nghĩa của nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu.
c. Lời đề từ là thành phần nằm ngoài văn bản của tác phẩm, nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.
Cùng với nhan đề, bốn câu thơ đề từ đã thể hiện khát vọng mãnh liệt của nhà thơ được đến với với những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến, với mảnh đất và con người Tây Bắc, khát vọng đến với nhân dân, đất nước, đó cũng là sự trở về với hiện thực vĩ đại của cuộc sống- ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca.
----------------------------------------

B. Tìm hiểu bài thơ
Đề1: Bình giảng 5 khổ thơ đầu bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.

I. Mở bài
- Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ lớn của thi ca hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên có phong cách riêng độc đáo và sắc nét, đó là chất trí tuệ và sự tài hoa trong những suy tưởng, triết luận sâu sắc cùng thế giới hình ảnh đa dạng, độc đáo.
- Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa, tập thơ đánh dấu sự trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên hành trình thơ cách mạng. Cũng như cả tập thơ, bài thơ Tiếng hát con tàu đã thể hiện sự gặp gỡ kì diệu giữa cảm hứng về sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh với cảm hứng về sự hồi sinh của chính tâm hồn nhà thơ, đó cũng là ngọn nguồn cho lòng biết ơn và sự gắn bó sâu sắc của Chế Lan Viên với cuộc đời, nhân dân, đất nước.
- Đoạn thơ phân tích là 5 khổ thơ đầu tiên của bài thơ Tiếng hát con tàu, trong đó, Chế Lan Viên đã thể hiện khát vọng hướng về nhân dân, đất nước, cũng là niềm khao khát được đến với cuộc đời rộng lớn, cội nguồn sáng tạo của thi ca. Khát vọng ấy được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của chủ thể trữ tình và sự vận động của hình tượng thơ.

II. Thân bài
1. Hai khổ thơ đầu: là một cuộc tự chất vấn của nhà thơ với chính lòng mình, cũng là sự trăn trở, hối thúc, tự giục giã lên đường
Cả đoạn thơ là nỗi trăn trở day dứt của một tâm hồn khao khát mãnh liệt được hòa nhập với cuộc đời, với nhân dân, đất nước, khao khát những chuyến đi xa tới những chân trời mới lạ để được trở lại với chính mình, để tìm cảm hứng sáng tạo cho thi ca.
2. Hai khổ 3 & 4: Niềm thành kính, biết ơn hướng về Tây Bắc và cuộc kháng chiến.
Đoạn thơ đã bộc lộ niềm thành kính và lòng biết ơn sâu nặng của Chế Lan Viên với miền đất thiêng Tây Bắc và những năm tháng kháng chiến hào hùng, oanh liệt. Đó là mảnh đất, là năm tháng có ý nghĩa sâu sắc với cả dân tộc và đặc biệt là với riêng nhà thơ trong hành trình nghệ thuật của mình. Trưởng thành từ đó, nay thi nhân lại khao khát hướng về nguồn cội, cũng là cách để nhà thơ thể hiện tâm nguyện tha thiết đưa nghệ thuật trở về với cuộc đời, về với nhân dân, đất nước.

3. Khổ 5: Lòng biết ơn sâu sắc, niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi được trở về với nhân dân - khát vọng hướng về nhân dân.
Tất cả những so sánh trong khổ 5 còn cho thấy sự trở về của nhà thơ với nhân dân không chỉ là nhu cầu, là hạnh phúc, niềm vui mà còn là lẽ tự nhiên, tất yếu, hợp qui luật: nai chỉ bình yên nơi suối cũ, cỏ cây chỉ xanh tươi trong mùa xuân...và nhà thơ chỉ thật sự là mình, hồn thơ chỉ được nuôi dưỡng, bồi đắp, tiếp sức trong hiện thực lớn lao, vĩ đại của cuộc sống nhân dân.

III. Kết luận
Với những hình ảnh mang đậm chất trí tuệ, với việc tạo ra một chuỗi so sánh trùng điệp giàu tính tượng trưng, cách sử dụng những đại từ nhân xưng tinh tế, sâu sắc..., đoạn thơ đã khẳng định vai trò lớn lao của nhân dân với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác cùng sự biết ơn, niềm hạnh phúc của nhà thơ khi được trở về với nhân dân. Đưa thi ca về với nhân dân, nhà thơ như được hồi sinh, được tự do bay bổng sáng tạo trong bầu trời nghệ thuật trong sáng, phóng khoáng, được thanh thản, bình yên trong chốn cũ an lành. Nhân dân thực sự là Ánh sáng và phù sa, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, là nơi nuôi dưỡng chở che, là sự tiếp sức khi chồn chân mỏi gối... Đoạn thơ đã thể hiện sinh động và sâu sắc khát vọng hướng về nhân dân, khẳng định mối quan hệ thiêng liêng giữa cá nhân và cộng đồng, giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống nhân dân.

Đề 2: Bình giảng đoạn thơ sau đây trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên. (khổ 6, 7,
8, 9, 10)

I. Mở bài
- Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ lớn của thi ca hiện đại Việt Nam. Thơ Chế Lan Viên có phong cách riêng độc đáo và sắc nét, đó là chất trí tuệ và sự tài hoa trong những suy tưởng, triết luận sâu sắc cùng thế giới hình ảnh đa dạng, độc đáo.
- Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa, tập thơ đánh dấu sự trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên hành trình thơ cách mạng. Cũng như cả tập thơ, bài thơ Tiếng hát con tàu đã thể hiện sự gặp gỡ kì diệu giữa cảm hứng về sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh với cảm hứng về sự hồi sinh của chính tâm hồn nhà thơ, đó cũng là ngọn nguồn cho lòng biết ơn và sự gắn bó sâu sắc của Chế Lan Viên với cuộc đời, nhân dân, đất nước.
- Đoạn thơ phân tích là 5 khổ giữa của bài thơ, trong đó, Chế Lan Viên đã thể hiện cảm xúc và suy ngẫm của mình về Tây Bắc và nhân dân Tây Bắc qua những hoài niệm ân tình, từ đó góp phần lí giải cảm hứng chủ đạo của cả bài thơ.

II. Thân bài:
1. Các khổ thơ 6,7,8: Nỗi nhớ da diết của nhà thơ hướng về những kỉ niệm ân tình với nhân dân Tây Bắc trong kháng chiến.
Bằng việc tạo ra những hình ảnh chân thực, xúc động, sử dụng phép đối lập gây ấn tượng mạnh mẽ, cách xưng hô thân thiết, ruột thịt,..., đoạn thơ đã tái hiện những kỉ niệm sâu nặng ân tình giữa nhà thơ với nhân dân Tây Bắc trong kháng chiến, qua đó mà khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của nhân dân, góp phần lí giải cảm hứng chủ đạo của bài thơ: khát vọng hướng về nhân dân.
2. Khổ 9,10: Tình yêu và suy ngẫm hướng về Tây Bắc, về nhân dân
Sau những hoài niệm ân tình, nhà thơ đã bộc lộ tình cảm nhớ thương đằm thắm với cảnh và người Tây Bắc để từ đó, khái quát những qui luật muôn đời trong tình cảm, đúc kết triết lí về sự chuyển hóa kì diệu trong đời sống nội tâm của con người, lí giải thấm thía và thuyết phục khát vọng hướng về nhân dân.

III. Kết luận
Cũng như cả bài thơ Tiếng hát con tàu, đoạn thơ tiếp tục sử dụng thành công thủ pháp trùng điệp trong các điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp và đặc biệt một hệ thống các hình ảnh so sánh, ẩn dụ đặc sắc.
Những hình ảnh giàu sức biểu cảm cùng phép suy tưởng sáng tạo của một ngòi bút tài hoa và trí tuệ đã giúp Chế Lan Viên bộc lộ nỗi nhớ, tình yêu với cảnh và người Tây Bắc, nơi lưu giữ bao kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến, nơi nhà thơ đã tìm thấy con đường đi chân chính của thi ca, qua đó góp phần thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ: cảm hứng hướng về nhân dân, đất nước, hướng về hiện thực vĩ đại của cuộc sống nhân dân, cội nguồn của sáng tạo thi ca.

Hocmai.vn

Đăng nhận xét

 
Top