A. Khái quát.
1. Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước đối với vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính mình.
2. Tác phẩm
2.1.Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Đoạn trích thuộc phần đầu chương V có tên Đất Nước của trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu 1974.
- Đây là giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cũng là giai đoạn ác liệt nhất đòi hỏi sức mạnh tổng lực cho chiến thắng trong đó lực lượng giữ vai trò đặc biệt quan trọng là thế hệ trẻ.
- Bản trường ca kết cấu theo quá trình vận động ý thức của tuổi trẻ các thành thị bị tạm chiếm miền Nam thức tỉnh trước hiện tại Đất Nước, nhận rõ kẻ thù, ý thức sâu sắc về nhân dân, đất nước và trách nhiệm của thế hệ mình, tự nguyện đứng lên tham gia vào cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc.
2.2.Tư tưởng chủ đạo: của đoạn thơ là Đất Nước của Nhân Dân. Tư tưởng ấy được thể hiện ở hai chiều:
- Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân Dân, Đất Nước hoà quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân.
- Nhân Dân với những đóng góp hi sinh lớn lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua đã làm nên Đất Nước muôn đời.
B. Tìm hiểu tác phẩm
Đề 1 . Phân tích đoạn thơ đầu đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của
Nguyễn Khoa Điềm( Từ đầu đến…muôn đời”)
I. Mở bài
- Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính mình.
- Đoạn trích mang tên Đất Nước thuộc phần đầu chương V, trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu 1974. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị bị tạm chiếm miền Nam, mở rộng ra là sự tự ý thức của tuổi trẻ Việt Nam, hướng về nhân dân, đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Đoạn thơ được bình giảng thuộc phần đầu của đoạn trích ĐN, góp phần lí giải một trong những bình diện đầu tiên của tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân, đó là quan niệm: Đất Nước hoà quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân, Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân Dân, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với Đất Nước.
II. Thân bài
1. Những cảm nhận sâu sắc về Đất Nước trong mối quan hệ gắn bó với cuộc sống Nhân Dân.
1.1. Đất Nước được hiểu là nơi cư trú của một cộng đồng dân tộc có cương giới, lãnh thổ riêng, có sự gắn kết sâu sắc với nhau về văn hóa, phong tục, tập quán, có tiếng nói, ngôn ngữ riêng, có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời.
1.2. Tùy theo từng thời kì lịch sử, Đất Nước được định nghĩa theo những cách quan niệm khác nhau.
1.3. Trong đoạn đầu, với giọng điệu suy tư hướng tới trả lời 2 câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước ở đâu?, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến một cách cảm nhận vừa mới mẻ, vừa thấm thía xúc động về Đất Nước trong mối quan hệ với cuộc sống Nhân Dân, trong đó, những khái niệm trừu tượng, những tiêu chí thiêng liêng định hình nên Đất Nước đã được nhà thơ thể hiện qua những hình ảnh cụ thể và bình dị, quen thuộc và gợi cảm.
Những cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng của cuộc trò chuyện tâm tình, qua những hình ảnh gợi nhắc tới tục ngữ, ca dao, thần thoại, cổ tích... nhà thơ đã đưa người đọc dần đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc thấm thía: Đất Nước có một lịch sử lâu đời, Đất Nước không hề xa lạ hay trừu tượng, Đất Nước là những gì gần gũi, thân yêu vô cùng luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân, Đất Nước làm nên vóc dáng hình hài, làm nên tâm hồn, cốt cách, làm nên lối sống, lối nghĩ của mỗi con người, Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân Dân.
2. Bên cạnh những cảm nhận sâu sắc về Đất Nước trong mối quan hệ gắn bó với cuộc sống Nhân Dân, nhà thơ còn đặt Đất Nước trong cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp, nhiều chiều, nhiều phương diện để có thể trả lời thấu đáo câu hỏi: Đất Nước là gì?
2.1. Trước hết, Đất Nước được đặt trong chiều dài miên viễn của thời gian lịch sử
2.2. Không tách rời khỏi thời gian, Đất Nước đồng thời được đặt trong chiều rộng mênh mông của không gian địa lí
2.3. Trên chiều rộng của không gian địa lí, chiều dài của thời gian lịch sử . Đất Nước được cảm nhận như sự thống nhất của các phương diện văn hóa, truyền thống, phong tục, đạo lí,...
Cần cù trong lao động dựng nước, dũng cảm kiên cường trong những cuộc chiến tranh giữ nước, nhân hậu nghĩa tình trong ứng xử của cuộc sống hàng ngày…đó là chiều sâu văn hóa tạo nên nền tảng vững chắc cho một Đất Nước.
3. Trong đoạn 1, Đất Nước xuất hiện trong những gì gần gũi bình dị nhất của cuộc sống hàng ngày, rồi mở rộng ra trong nhiều chiều của thời gian, không gian, lịch sử và địa lí; cuối cùng, cảm nhận về Đất Nước trở lại với những phát hiện về sự hiện hữu của Đất Nước trong mỗi con người để từ đó nhắc nhở trách nhiệm của mỗi con người với Đất Nước.
3.1. Đất Nước có trong mỗi con người
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
3.2. Quan hệ giữa Đất Nước với mỗi cá nhân: còn được biểu hiện qua hai hình ảnh thật sâu sắc:
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
3.3.Trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng:
3.4. Viễn cảnh của Đất Nước:
Hình hài Đất Nước, sự phát triển phồn thịnh của Đất Nước trong tương lai, vị trí, tầm vóc của Đất Nước trên trường quốc tế...đã được nhà thơ thể hiện trong một ẩn dụ đẹp đẽ và lãng mạn:
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
III. Kết luận
- Đoạn trích đã thể hiện đậm nét phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: sự kết hợp chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc…Chất chính luận hiện ra trong hệ thống lập luận dẫn đến trả lời các câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước ở đâu? Đất Nước là gì? Những lập luận sâu sắc và thấm thía khi được thể hiện trong những vần thơ thấm đượm cảm xúc, trong cái nhìn trân trọng yêu quí với mỗi hình ảnh về Nhân Dân, Đất Nước. Suy tưởng cũng là nét đặc sắc của đoạn thơ; nhờ suy tưởng mà nhà thơ đã phát hiện ra những ý nghĩa mới mẻ, sâu xa từ những điều quen thuộc, bình dị trong cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân.
- Đoạn thơ đã cảm nhận, và phát hiện về Đất Nước trong cái nhìn tổng hợp, toàn vẹn, nhiều chiều, nhiều phương diện mang đậm tư tưởng Nhân Dân, sử dụng phong phú các yếu tố của văn hóa, văn học dân gian một cách sáng tạo, hòa nhập trong cách diễn đạt và tư duy hiện đại, mang đến cho hình tượng thơ màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, dẫn đến nhận thức: Đất Nước không ở đâu xa, Đất Nước là những gì bình dị, thân yêu trong cuộc sống hàng ngày; Đất Nước ở trong ta với tâm hồn cốt cách, Đất Nước ở ngoài ta với những nuôi nấng, dạy dỗ, chở che; Đất Nước hình thành và phát triển qua cuộc chạy tiếp sức lớn lao, vĩ đại, vĩnh hằng của các thế hệ người Việt dựng nước và giữ nước; Đất Nước cũng là nơi những người Việt Nam sinh ra, lớn lên, “yêu nhau và sinh con đẻ cái”, lao động dựng xây và chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc thân yêu. Những nhận thức ấy đã góp phần thể hiện tư tưởng chủ đạp của tác phẩm: tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân./.
Hocmai.vn
Đăng nhận xét