Luyện thi đại học: Phân tích phần 2 đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm để làm sáng tỏ tư tưởng chủ đạo: Đất Nước của nhân dân.
I. Mở bài
- Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong
cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước về vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể hiện những nhận thứcsâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính mình.
- Đoạn trích mang tên Đất Nước thuộc phần đầu chương V, trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu 1974. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ các thành thị bị tạm chiếm miền Nam, mở rộng ra là sự tự ý thức của tuổi trẻ Việt Nam, hướng về nhân dân, đất nước, ý thức được sứ mệnh của thế hệ mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Đoạn thơ được bình giảng thuộc phần đầu của đoạn trích Đất Nước, góp phần lí giải một trong những bình diện đầu tiên của tư tưởng Đất Nước của nhân dân, đó là quan niệm: Đất Nước hoà quyện gắn bó sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, Đất Nước làm nên cuộc sống nhân dân, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm đối với Đất Nước.
- Đoạn thơ được bình giảng thuộc phần cuối của đoạn trích, trong đó, cảm nhận về Đất Nước được mở ra theo các bình diện của không gian địa lí, thời gian lịch sử, chiều sâu văn hóa và tâm hồn dân tộc. Tất cả các bình diện đó đều được soi chiếu từ một tư tưởng nhất quán: Đất Nước của nhân dân, chính nhân dân đã làm nên Đất Nước.
II. Thân bài
1. Đoạn từ câu 43-54: Những cách cảm nhận mới mẻ, những phát hiện độc đáo về không gian địa lí của Đất Nước trong mối quan hệ với nhân dân.
a. Những chất liệu văn hóa dân gian:
- Đoạn thơ quan sát không gian địa lí của Đất Nước qua các di tích văn hóa, lịch sử như Đền Hùng, Núi Vọng Phu…các địa danh như làng Gióng, sông Cửu Long…, những thắng cảnh như Hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên…hoặc đơn giản chỉ là những ruộng đồng gò bãi, núi sông…trên khắp mọi miền Tổ quốc…
- Điều đáng nói là tất cả những không gian địa lí đều hiện ra qua một câu chuyện ngày xửa ngày xưa nào đó của văn hóa dân gian.
- Chọn từ những chất liệu nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa dân gian, Nguyễn Khoa Điềm giúp người đọc cảm nhận xúc động và thấm thía những nỗi đau trong cuộc đời, thân phận, những vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách người Việt.
Trí tuệ dân gian đã dùng hình thức hư cấu huyền ảo của nghệ thuật để lí giải những hình hài sông núi hiện hữu trong không gian Đất Nước, đồng thời phản ánh những nỗi đau, những vẻ đẹp có thật trong cuộc sống nhân dân.
b. Đoạn thơ bắt đầu từ những huyền thoại của văn hóa dân gian nhưng lại bay bổng trên thế giới ấy nhờ cái nhìn mới mẻ, độc đáo của phương thức tư duy hiện đại.
- Ý nghĩa của các cụm động từ góp cho Đất Nước...góp nên...góp mình dựng đất...góp dòng sông...góp cho Hạ Long...góp tên...
- Chủ thể của những sự đóng góp ấy là những người vợ nhớ chồng, là cặp vợ chồng yêu nhau, là người học trò nghèo, là những người dân nào...tất cả đều vô danh, đó chính là nhân dân, qua năm tháng, lặng lẽ, bền bỉ, kiên cường, đã tạo dựng nên Đất Nước, đã đặt tên, in dấu sâu đậm trên dáng hình của quê hương xứ sở.
- Cách nhìn vừa mới mẻ vừa mang đậm sắc thái dân gian đã giúp nhà thơ khẳng định và ca ngợi công lao của nhân dân đối với Đất Nước.
Tư tưởng Đất Nước của nhân dân đã được thể hiện trước hết ở bình diện không gian, khi chính nhân dân, lớn lao và thầm lặng, bằng tình yêu và nỗi đau, bằng sự dũng cảm hay cần cù nhẫn nại, bằng cách sống và cách nghĩ nhân hậu, thuỷ chung, bằng những ước mơ đẹp đẽ, những khát khao bình dị đã in dấu cuộc đời lên hình sông dáng núi, đã làm nên Đất Nước muôn đời.
2. Đoạn từ câu 55-90: Những suy ngẫm của nhà thơ về thời gian lịch sử của Đất Nước trong mối quan hệ với cuộc sống nhân dân.
- Sau những phát hiện mới mẻ và độc đáo về sự đóng góp của nhân dân để làm nên những không gian hữu hình của Đất Nước, nhân vật trữ tình lại cất tiếng gọi thiết tha tới người con gái yêu thương, cùng nhau hướng cái nhìn suy tư và hoài niệm vào dòng chảy xa xăm, sâu thẳm, vô hình của bốn nghìn năm Đất Nước, nhìn để quan sát và chiêm nghiệm về công sức của nhân dân với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
- Tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm đề cập đến cách sống, cách nghĩ và khẳng định công lao của nhân dân trong bốn câu thơ đặc biệt hàm súc:
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
- Sau bốn câu thơ khái quát công lao của nhân dân, lực lượng đông đảo nhất, vĩ đại nhất và cũng thầm lặng nhất suốt bốn nghìn năm qua kiên cường bền bỉ tạo dựng, giữ gìn, làm ra Đất Nước, đoạn thơ nối tiếp đã đề cập cụ thể hơn công lao to lớn của nhân dân với Đất Nước trong sự tôn vinh và lòng ngưỡng mộ.
a. Trước hết là công lao trong sự nghiệp dựng nước, trong việc sáng tạo, bảo vệ, duy trì từ của cải vật chất đến những giá trị tinh thần:
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
b. Khi Đất Nước có chiến tranh, nhân dân lại là những người xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dũng cảm chiến đấu, sẵn sang hi sinh để bảo vệ sự bình yên cho Đất Nước:
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
c. Mạch cảm xúc, suy ngẫm của bài thơ cứ dồn tụ dần để dẫn tới cao trào trong đoạn cuối, làm bật lên tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của nhân dân”
III. Kết luận
- Tư tưởng Đất Nước của nhân dân đã manh nha từ xa xưa trong lịch sử với quan niệm dân vi bản, khi Nguyễn Trãi khẳng định Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước; khi Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người nông dân nghĩa sĩ cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó mà cao cả, anh hùng...Tư tưởng ấy được khẳng định và nhận thức sâu sắc hơn trong thời đánh Mĩ khi được soi chiếu bằng quan điểm mác xít về nhân dân và thực tiễn của cuộc chiến tranh nhân dân.
- Tư tưởng Đất Nước của nhân dân không chỉ được khẳng định ở bình diện nội dung mà còn được thể hiện ngay trong yếu tố hình thức của đoạn thơ, trong một không gian nghệ thuật thấm đẫm phong vị dân gian ngay trong những câu thơ trí tuệ và hiện đại. Ca ngợi nhân dân bằng chính những sản phẩm trí tuệ của nhân dân, bằng những sáng tác phản ánh tâm hồn, tính cách và số phận nhân dân, Nguyễn Khoa Điềm đã có một lựa chọn độc đáo khiến tư tưởng Đất Nước của nhân dân được thể hiện sâu sắc và đầy sức thuyết phục.
- Tóm lại, đoạn thơ đã cảm nhận, phát hiện về Đất Nước trong cái nhìn tổng hợp, toàn vẹn, mang đậm tư tưởng nhân dân, đã sử dụng phong phú các yếu tố của văn hóa, văn học dân gian một cách sáng tạo, hòa nhập trong cách diễn đạt và tư duy hiện đại, đem đến màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc, vừa mới mẻ, phù hợp với tư tưởng cốt lõi của tác phẩm, cũng là tư tưởng bao trùm trong văn học 1945-1975: tư tưởng Đất Nước của nhân dân.
Hocmai.vn
Đăng nhận xét