Luyện thi đại học: Khái quát tác phẩm Sóng - Xuân Quỳnh



1. Tác giả (1942-1988)
- Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ tình yêu là một mảng đặc sắc và rất tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh - một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Trong thơ Xuân Quỳnh, khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm lo âu, những mong manh, bất ổn...

2. Tác phẩm
2.1. Xuất xứ, vị trí:
Sóng là một trong những bài thơ thành công nhất của Xuân Quỳnh về đề tài tình yêu, được viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào 1968. Bài thơ thể hiện chân thực, tinh tế vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương gắn bó, một trái tim luôn trăn trở lo âu, một tấm lòng luôn mong được hi sinh, dâng hiến cho tình yêu.

2.2. Kết cấu hình tượng:
Bài thơ là sự vận động và phát triển song hành của hai hình tượng : sóng và em.
* Em là cái tôi trữ tình của nhà thơ, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu.
Sóng là hình tượng nghệ thuật được Xuân Quỳnh sáng tạo để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, khao khát yêu thương. Sóng chính là hình ảnh ẩn dụ cho trái tim người phụ nữ đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của em.
* Hai hình tượng ấy khi phân đôi để soi chiếu sự tương đồng, khi hoà nhập để âm vang, cộng hưởng. Trái tim người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để nhận ra mình, thông qua sóng để thể hiện những rung động, đam mê, khao khát...Hai hình tượng này đan cài, quấn quít với nhau từ đầu tới cuối bài thơ, soi sáng cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc, thấm thía những khát vọng tình yêu trào dâng mãnh liệt trong lòng người phụ nữ.
* Với hình tượng sóng, bài thơ làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đứng trước đại dương, mang tâm thế của một cá thể đối diện với cái vô biên và vĩnh hằng, từ đó mà liên tưởng, suy tư, chiêm nghiệm về những khát vọng cũng vô biên, vĩnh hằng của con người trong tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, tự khám phá cái tôi bản thể trong tình yêu. Cảm xúc thơ vì thế vừa sôi nổi, mãnh liệt, vừa có chiều sâu triết lí.

2.3. Hình tượng sóng được gợi ra ngay trong âm hưởng của bài thơ. Thể thơ 5 chữ với những dòng thơ thường không ngắt nhịp, sự đắp đổi tuần hoàn các thanh bằng trắc ở cuối mỗi câu thơ, khổ thơ, những từ ngữ trùng điệp, những hình tượng ngôn từ sóng đôi hô ứng xô đuổi từ đầu tới cuối bài đã tạo nên âm hưởng dào dạt nhịp nhàng, gợi hình ảnh những con sóng miên man, bất tận, vô hạn vô hồi, khi ào ạt trào dâng, lúc dịu êm, đằm lắng. Đó cũng đồng thời là nhịp điệu những con sóng lòng, những đợt sóng của đam mê khao khát và da diết yêu thương đang cuộn trào trong trái tim người phụ nữ - những con sóng làm nên sức mạnh và vẻ đẹp đắm say cho tâm hồn người phụ nữ đang yêu.

Hocmai.vn

Đăng nhận xét

 
Top